Đăng bởi Người Đô Thị Online 03/03/2022
https://doanhnhanplus.vn/dem-30-tro-mam-tam-xanh-499678.html: Đêm 30 trổ mầm Tâm XanhViết tặng họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông – như một lời tri ân món quà logo Tâm Xanh anh thiết kế cho dự án “Cây: Di sản văn hóa thiên nhiên”
Với nhiều người, những sự việc xảy ra ngày mùng 1 Tết luôn đem đến điềm gì đó cho cả năm. Còn với tôi, hình như những sự việc xảy ra từ tầm sau giờ trưa của 30 Tết, luôn là điềm khởi về điều gì đó cho nhiều năm về sau. Khởi phát của Tâm Xanh (1) có lẽ là từ một chiều 30 Tết như thế của hai năm trước, ngày cuối cùng của năm Đinh Dậu…
Trong suốt quá trình làm dự án “Cây: Di sản văn hóa thiên nhiên” (bắt đầu năm 2015) tại đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) từ 2016 và rồi 2017 – 2018, tôi tuy không đơn độc vì có một dream team đồng hành bất kể đêm ngày, bất kể hiểm nguy với tinh thần vô vụ lợi; không đơn độc vì luôn có cụ Ba (2) dưới gốc cổ thụ cuối cùng trên đường Tôn Đức Thắng – cây 169 – pha cà phê cho tôi và đồng đội mỗi sáng sớm tinh mơ khi chúng tôi túc trực từ lúc đèn đường còn thắp vàng, nhưng tôi khá đơn độc và khép kín với thế giới ngoài kia.
Vào đúng ngày này, 30 Tết năm Đinh Dậu, khi những công nhân cưa cây trên đường Tôn Đức Thắng cũng nghỉ đón Tết, tôi bay qua xứ cờ hoa và qua cái duyên họp mặt cùng vài bạn bè thân thiết nơi ấy, tôi và họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông tình cờ gặp lại nhau sau rất nhiều năm, để rồi sau đó khi anh trở về nước thăm nhà, tôi mở lòng kể anh nghe về hành trình triền miên của tôi và nhóm với hàng cây Tôn Đức Thắng.
Tôi vô cùng xúc động khi anh Đông cũng rất xót xa hàng cây ấy, anh hay thăm hỏi hành trình im lìm của tôi, và không biết từ lúc nào, tôi có thói quen chia sẻ với anh những câu chuyện tôi ghi nhận, những khó khăn diễn ra mỗi ngày của hành trình làm dự án, những tấm ảnh cây đổ máu, gốc cây trơ trọi…
Thời gian đó tôi đóng facebook để tập trung làm việc. Tôi vốn lười công bố cái gì khi dự án chưa xong, mà dự án của tôi thì không biết bao giờ mới xong, phải làm việc cật lực đêm ngày và đối diện với rủi ro hàng ngày cùng những cảm xúc tiếc thương bị đẩy đến đỉnh điểm, đủ làm tôi kiệt tâm kiệt sức rồi.
Nhưng khi anh Đông hỏi tôi có tiện không để anh đưa một vài hình ảnh này lên facebook của anh và viết một hai note ngắn, tôi đã gật đầu, để anh chia sẻ một ít thông tin với mọi người. Và đúng là nhờ có anh, mà một vài hình ảnh về cây Tôn Đức Thắng và vòng ôm của tôi đã tới kịp thời với mọi người, chia sẻ chút nỗi niềm tiếc thương và ký ức. Nhờ có anh mà việc làm của tôi và nhóm bớt đơn độc.
Có một lần, nhà văn Phan Triều Hải góp ý với tôi: Ly đi đường dài, cần làm một logo cho dự án Cây này, gắn lên mọi phần của tác phẩm. Tôi luôn khắc ghi lời khuyên đó. Thường tôi sẽ tự thiết kế logo cho các dự án nghệ thuật của mình, nhưng với dự án Cây, là dự án mà ngay từ đầu tôi đã chủ trương mời sự cộng tác làm việc của nhiều nghệ sĩ trong các lãnh vực nghệ thuật khác nhau tham gia, cho nên tôi muốn mời một họa sĩ chuyên nghiệp về thiết kế đồ họa thiết kế logo.
Và rồi đến giữa tháng 8.2018, khi anh Đông có dịp về thăm Sài Gòn, trong câu chuyện chia sẻ về cây, tôi ngỏ lời mời anh thiết kế logo cho dự án này. Anh đồng ý ngay, khiêm tốn nói rằng: “Anh rất hân hạnh tham gia dự án ý nghĩa này, anh sẽ vẽ tặng logo cho dự án của Ly”. Chỉ vào đĩa mùn cưa của cây Tôn Đức Thắng mà tôi miệt mài thu gom trong quá trình cây bị cưa, anh bảo: “Ly cho anh xin chút mùn cưa này, anh sẽ đem về Mỹ để ngắm nó trong lúc làm logo”. Tôi liền trao anh ngay một gói nylon mùn cưa cây Tôn Đức Thắng mà tôi rất quý. Mùn cưa cây cổ thụ – found object của dự án nghệ thuật này – có lẽ là món quà đặc biệt nhất, lạ lùng nhất mà tôi từng dành cho một người bạn.
Sau 9 tháng trăn trở của cả hai đồng nghiệp ở cách nhau nửa vòng trái đất, cùng ngắm nhìn mùn cưa, cùng cầm nắm và trộn nó trên tay, Logo “Tâm Xanh – Heart Tree Rings” do Nguyễn Tri Phương Đông thiết kế, Ly Hoàng Ly viết slogan đã ra đời vào giữa tháng 5.2019. Chúng tôi thở phào, hạnh phúc vô cùng. Vậy là dự án “Cây: Di sản văn hóa thiên nhiên” đã có logo chính thức.
Anh Đông đề nghị tôi để anh đem logo dự một cuộc thi về thiết kế trước khi tôi công bố logo. Tôi đồng ý ngay, hoãn công bố logo trên các tác phẩm, cho nó còn mới toanh, để anh đem logo tham dự cuộc thi cái đã.
Cuối tháng 12.2019, Logo Heart Tree Rings – Tâm Xanh đã vượt qua hơn 12.000 tác phẩm thiết kế tham dự 18 hạng mục, trở thành một trong 600 thiết kế của 345 tác giả/công ty/học viện – từ những tên tuổi lớn hàng đầu tới những ngôi sao mới nổi trong lãnh vực thiết kế đồ họa của Mỹ – đoạt giải thưởng American Graphic Design Awards 2019 do tạp chí Graphic Design USA trao tặng.
Heart Tree Rings nằm trong hạng mục Identity (Nhận diện).
Tôi vô cùng xúc động khi anh Đông gửi cho tôi tấm ảnh chụp tấm bằng giải thưởng in hai màu đen và nhũ đồng: Graphic Design USA trao tặng giải American Graphic Design Award cho Tri Dong design, dành cho thiết kế logo Heart Tree Rings (Tâm Xanh) thuộc dự án Cây (Trees Project) của Ly Hoàng Ly.
Anh Đông chia sẻ với tôi rằng khi đem chỗ mùn cưa về, trộn mùn cưa ấy trên tay, anh thấy như mình lùa tay vào thùng gạo vậy… anh chắc chắn sẽ làm được điều gì đó… Đọc lời anh nhắn, tôi rưng rưng. Cảm ơn anh Đông thật nhiều đã sẻ chia và đồng hành. Cảm ơn trái tim lớn lao chân thành của anh. Năm xưa, cụ cố của dòng họ anh (cụ Nguyễn Tri Phương) hiệp với cụ cố của dòng họ tôi (cụ Hoàng Văn Hòe) chống Pháp, nay tình cờ sao con cháu các cụ cùng nhau hiệp với Cây.
Giải thưởng logo cho thấy tài năng của người nghệ sĩ được trân trọng ghi nhận, cho thấy thông điệp bảo vệ cây là điều cả thế giới đang hướng về, là tiếng nói của tài và của tâm. Tôi vô cùng tự hào về họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông, vui mừng vì sáng tạo của anh mang tầm vóc quốc tế trong ngành thiết kế đồ họa.
Tôi vui vì dự án mình theo đuổi với bao gian nan đã truyền cảm hứng cho anh em đồng nghiệp, nhận được sự ủng hộ từ anh em; và đáp lại, các đồng nghiệp cũng truyền cảm hứng cho dự án qua sự đóng góp tương tác quý báu của họ, để thông điệp bảo vệ “Cây: Di sản văn hóa thiên nhiên” được lan tỏa, qua nhiều phương tiện và hình thái nghệ thuật khác nhau. Chỉ khi rất nhiều sự cộng sức, tâm huyết, tài năng khác nhau cùng chung tay, thì may ra những mơ ước mong mỏi về điều tốt đẹp hơn mới dần trở thành hiện thực. Niềm tin cùng nhau bám rễ cho hy vọng nảy mầm, lên cao, tỏa bóng, vươn xa.
Nếu như người ta vẫn thường thấy những bức tranh tường của Banksy (3) và thắc mắc không biết Banksy là ai, diện mạo thế nào, tác phẩm thì ở đó mà người luôn ẩn tàng, thì tôi cũng có một tưởng tượng hình dung về Tâm Xanh theo lối tương tự: mọi người sẽ thấy hình ảnh Tâm Xanh ở khắp nơi, trên bức tường cũ, bên hàng cây vừa đổ, trên ngực áo, trang giấy viết, túi xách, đôi giày, trên vỉa hè, cột điện trơ giữa nắng…
Đêm 30 trổ mầm Tâm Xanh, vươn tỏa lan qua những ngày mới, tươi mát trong lành. Người ta sẽ có thể chẳng nhớ tác giả vẽ Tâm Xanh là ai, slogan do ai viết, hay Tâm Xanh thuộc dự án nào, nhưng mong sao hình ảnh Tâm Xanh sẽ hiện diện trùng trùng điệp điệp (4) trong lòng mỗi người trên thế gian này: Tiếng cây, Hồn cây, Máu cây. Tree Voice – Tree Soul – Tree Blood(5) – tất cả kết tinh trong một hình ảnh vòng gỗ cây tỏa âm sóng-quặn mình chảy-rung ngân.
Mong sao trước khi định “vung rìu” chặt một cây cổ thụ – ngay giữa đô thành hoặc trong chiến dịch phá rừng hủy diệt thiên nhiên để xây các cơ sở tiện ích cho đô thành – dẫu vì lý do hoạch định gì, Tâm Xanh sẽ khiến loài người chúng ta trong bất kỳ thời đại nào phải đắn đo hơn, đắn đo thật nhiều, rồi… kịp dừng tay lại.
(1) Tên logo tiếng Việt và Anh (Heart Tree Rings) đặt bởi nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông
(2) 50 năm qua, cụ Ba đã bán cà phê dưới gốc cây cổ thụ số 169 cho đến khi cây bị đốn hạ
(3) Tên một nghệ sĩ đường phố đương thời nổi tiếng sống tại Anh và không lộ diện
(4) Tên một triển lãm sắp tới của Ly Hoàng Ly
(5) Slogan của logo Tâm Xanh – Heart Tree Rings
Theo: Ly Hoàng Ly