https://vnexpress.net/hoang-hung-ly-hoang-ly-va-dem-tho-cha-con-2139261.html
Thứ bảy, 8/3/2008, 11:14 (GMT+7)
Cùng sáng tác, cùng rốt ráo cách tân thơ, nhưng trong nhà, Hoàng Hưng và Ly Hoàng Ly rất hiếm khi ngồi đàm đạo về thi ca. Đêm 7/3 là một dịp để cha và con gái cùng đối diện với thơ trong một buổi trình diễn, giao lưu vừa tinh tế vừa góc cạnh tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).
Hà Linh –
Đêm thơ được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Mùa xuân của các thi sĩ do L’Espace khởi xướng lần đầu tiên cách đây 10 năm. Trái ngược với những nỗi lo ngại rằng thơ đang ế, công chúng đang thờ ơ với thơ, buổi trình diễn đêm qua thu hút khá đông độc giả. Ban tổ chức cũng chẳng ngại ngần ngăn chặn thói quen thưởng thức nửa vời của người xem. Ngay từ đầu buổi diễn, khán giả đã đọc được thông báo, yêu cầu không sử dụng điện thoại, chỉ ra ngoài vào giờ giải lao. Nếu ai có việc ra ngoài trong giờ diễn sẽ không được quay trở lại. Sự khắt khe cần thiết đã mang lại cho người yêu thơ một đêm trọn vẹn cảm xúc.
Thơ cha và thơ con
Chương trình mở đầu bằng phần đọc và trình diễn thơ. Với một cuộc đời dạn dày trải nghiệm, Hoàng Hưng nhanh chóng đưa độc giả trở về với chặng đường đầy va đập trong hành trình thơ của ông. Thơ ông giàu chiêm nghiệm, mạnh về tứ và ý tưởng hơn là sự hào nhoáng của câu chữ. Những bài thơ như Người yêu miền biển, Cửa sông, Người đi tìm mặt… được Hoàng Hưng thiết tha đọc lên trên nền nhạc piano, nhị và trống. Trong thứ ánh sáng trầm, Người đi tìm mặt – tác phẩm có thể coi là một tuyên ngôn nghệ thuật của Hoàng Hưng – lay động lòng người với hình ảnh của một nhà thơ tóc muối tiêu, run run hồi tưởng những ngày đi tìm khuôn mặt của chính mình ở một thời chưa xa. Trong sự già dặn của câu chữ, người đọc dường như vẫn tìm thấy ở Hoàng Hưng phong thái của một con người giàu nội lực cách tân, giàu khả năng bắt nhịp với sự phát triển của nghệ thuật đương đại.
Sự cách biệt của hai thế hệ thơ thể hiện rõ nét khi Ly Hoàng Ly bước ra sân khấu. Với kinh nghiệm của nghệ sĩ sắp đặt và trình diễn, Ly gây ấn tượng mạnh với khán giả không chỉ bằng lời thơ mà còn bằng hình ảnh. Trong bài Ảo giác, chị đứng giữa sân khấu, phủ kín thân bằng một tấm vải trắng. Phía sau chị là một màn hình video với hình ảnh dòng nước chảy ào ạt. Hiệu ứng sắp đặt khiến người xem có cảm giác như Ly đang hòa mình, đang trôi vào thác nước, đang biến mất trong thực tại.
Đến Ăn xin hạnh phúc trong đêm, chị gây ngạc nhiên khi xuất hiện một cách câm lặng, cắt băng keo dán kín miệng, dang tay cầu xin hạnh phúc giữa những người vãng lai. Nhưng xúc động nhất là khi Ly ngồi cô độc trên ghế, đọc bài thơ Người đàn bà và căn nhà cổ. Sự suy tưởng của một cô gái trẻ về những giá trị cổ xưa đang ngày càng biến mất khiến người nghe day dứt. Một vài người trong số cử tọa kín đáo lau nước mắt. Họ có lẽ, từng là những thiếu nữ Hà thành xưa, đã gắn bó với một khung cửa, một góc phố thân thương như trong bài thơ, Ly viết về ngôi nhà cổ số 14, nơi gia đình chị từng sống. Ly diễn đạt tiếng động của tâm hồn, sự giằng xé bên trong với một mớ âm thanh xủng xẻng của đũa, thìa môi… xổ ra trên sàn diễn. Ly kết thúc phần trình diễn của mình với một bài thơ về đêm với sự kết hợp giọng đọc của họa sĩ Hà Thế Hiển.
Cha và con và thơ
Giao lưu là phần hai của đêm thơ – nơi cha con Hoàng Hưng thành thật chia sẻ về con đường thơ của họ. Trước sự ngạc nhiên của khán giả, người cha cho biết, ông không bao giờ muốn con gái đi theo nghiệp thơ ca. Nhưng Ly Hoàng Ly vẫn lén lút làm thơ như một nhu cầu không thể cưỡng lại của mình. Một ngày, chị đưa cho cha mấy bài thơ, nhờ ông đọc hộ. Hoàng Hưng ngỡ ngàng nhận ra, đó là những tác phẩm viết rất được. Trước thắc mắc của cha, Ly trả lời giản dị, rằng chị chỉ làm thơ để dự thi báo Tuổi Trẻ, chị cần tiền để đi thực tập (khi đó Ly đang học Đại học Mỹ thuật, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn). Năm đầu, “cô con gái nhà nòi” đoạt giải khuyến khích. Đến năm thứ hai, chị đoạt luôn giải nhất.
Tiếp lời cha, Ly Hoàng Ly nhỏ nhẹ kể câu chuyện có thể làm mủi lòng bất cứ ai biết rõ cuộc đời thơ của Hoàng Hưng: “Trong thời gian bố tôi gặp sự cố, ngày nào mẹ cũng muốn tôi viết một bài thơ hoặc một bức tranh, để mẹ mang theo mỗi khi ra Hà Nội thăm nuôi bố. Nhưng vốn đã nếm trải mọi tủi cực, khó khăn của một người làm vợ nhà thơ, mẹ không cho phép tôi chọn thơ ca như là cái nghiệp. Bố và mẹ muốn tôi theo nghề y. Nhưng sự nổi loạn của con người nghệ sĩ đã khiến tôi thuyết phục được bố mẹ để học hội họa. Thực sự, vẽ mới là niềm đam mê của tôi. Thơ ca, dẫu sao vẫn chỉ như là người bạn thân”. Hoàng Hưng kể lại, một trong những bài thơ Ly gửi cho cha trong những ngày ông khốn khó đã khiến nhà thơ rơi nước mắt.
Vì không mặn nồng cho con nối nghiệp nên trong gia đình, cha con Hoàng Hưng ít khi trò chuyện thơ với nhau. Trước sự thắc mắc của độc giả, rằng tại sao, hai cha con trong một gia đình lại thống nhất ở những nỗ lực cách tân thơ như vậy, Hoàng Hưng giải thích: “Tôi nghĩ, đó là do môi trường văn hóa. Nói thực, gia đình tôi vốn là một gia đình theo truyền thống Tây học. Sự kế thừa về mặt văn hóa và giáo dục đã góp phần hình thành nên cách nhìn và hướng đi như vậy”.
Đêm thơ kết thúc trong khi nhiều độc giả vẫn muốn được nghe đọc lại Người đi tìm mặt của Hoàng Hưng và Người đàn bà và căn nhà cổ của Ly Hoàng Ly.