THIÊN ĐIỂU
https://tuoitre.vn/ly-hoang-ly-day-la-tinh-yeu-danh-cho-dat-nuoc-toi-20220610093956847.htm
TTO – Trong triển lãm mới nhất của Ly Hoàng Ly đang trưng bày tại Manzi Art Space (Hà Nội), khán giả được thấy lại một Ly Hoàng Ly hồi sinh mãnh liệt sau biến cố lớn trong đời sống cá nhân hai năm trước.
Sau 5 năm, Ly Hoàng Ly trình hiện trước công chúng Hà Nội triển lãm thứ 2 thuộc dự án 0395A.ĐC dưới cái tên Người mơ: nơi chốn khác, phiến trắng, im lặng hùng tráng (kéo dài tới ngày 17-7). Triển lãm lần đầu ra mắt công chúng TP.HCM năm 2017.
Các triển lãm thuộc dự án 0395A.ĐC trưng bày những tìm tòi, chất vấn chưa hồi kết của nghệ sĩ về bản trường ca di – nhập cư của loài người. Cũng như các dự án khác được thực hiện song song, Ly Hoàng Ly tiếp tục kể câu chuyện này suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình.
“Nhà” của mình
Khởi nguồn của dự án 0395A.ĐC là từ những cuộc gặp gỡ với người Việt xa xứ trên đất Mỹ trong khoảng thời gian từ 2011 – 2015, khi Ly Hoàng Ly chuyển đến Mỹ để tiếp tục học cao học.
Cùng cảnh xa xứ, Ly Hoàng Ly nhận ra cảm giác lạc lõng thường trực, liên tục ở những người này. Ở họ luôn giày vò, đeo đẳng khao khát được tìm lại mình là ai, cùng những băn khoăn về bản sắc, đất mẹ, dân tộc, quê hương – nơi chốn cho họ cảm giác thuộc về.
Từ những người đồng hương này, Ly Hoàng Ly nghĩ về một hiện thực: xuyên suốt lịch sử, từ cơn đại hồng thủy cho tới nay, vì những lý do khác nhau, chiến tranh, thiên tai… loài người bao phen phải di cư tìm ngôi nhà yên ấm của mình, mà chưa chắc nơi mới đã ấm yên.
Cho nên, trong triển lãm thứ 2, ba biểu tượng của nước, thuyền, nhà lại xuất hiện đan xen để nói về câu chuyện chưa được kể của người Việt Nam tha hương, phải đối diện với nguy cơ đánh mất kết nối với lịch sử. Nó còn là hành trình bản thân nghệ sĩ đang vượt bão để tìm lại mình và “nhà” của mình.
Trong không gian nhỏ nhắn, ấm cúng, người xem được thấy khung nhà bằng thép và một “thuyền” gỗ đặt ở giữa phòng triển lãm.
Đây là tác phẩm Thuyền – nhà vĩnh hằng. Điều ấn tượng nằm ở chỗ tác phẩm không “cấm sờ vào hiện vật” mà nghệ sĩ để biển chỉ dẫn nhỏ mời mọi người bước vào con thuyền ấy, ngôi nhà ấy mà nằm, ngồi nghỉ ngơi thật thư giãn như cảm giác chính những mái nhà, những con thuyền mang đến cho chúng ta.
Một cảm giác yêu thương lạ lùng khi người đến triển lãm được thấy ai đó đang nằm, ngồi chơi giữa vây quanh của cái đẹp, bao gồm cả nỗi buồn đẹp.
“Cuối cùng vẫn là tình yêu thương. Triển lãm của tôi muốn mời gọi mọi người đi đến yêu thương, yêu bản thân mình, bằng cách nằm đây, ngồi đây, chỉ nghỉ ngơi, thư giãn. Để hiểu, mọi đau khổ, muộn phiền đều có thể được giải quyết bằng tình yêu thương. Cuối cùng là như thế”, Ly Hoàng Ly nói.
Tình yêu quê hương và món phở
Một tác phẩm quan trọng trong triển lãm cũng có chữ “tình yêu” trong cái tên đặc biệt của mình: Đây là tình yêu sôi sục dành cho quê hương tôi. Đây là tác phẩm điêu khắc đổ khuôn xương bò và đúc lại bằng sắt, thứ xương bò đã hầm sôi sục trong nhiều giờ để làm món phở.
Những năm tháng ở Mỹ, con gái nghệ sĩ quá thèm món phở đúng vị quê hương, cô đã mua xương bò hầm với đủ thứ nguyên liệu để cho ra được nồi phở, ra được hương vị quê hương. Tình yêu sôi sục dành cho quê hương ở những người con xa xứ chính là hương vị phở quê nhà. Nghệ sĩ vật chất hóa tình yêu sôi sục ấy bằng tác phẩm điêu khắc độc đáo này, cũng là để nguôi nỗi nhớ Tổ quốc mình.
Trong quá trình thử nghiệm với việc đổ khuôn xương bò và đúc lại bằng sắt, nghệ sĩ liên tục thất bại cho tới lần thứ 21. Nhưng chính những mẫu vật thất bại này lại trở thành “nhân vật” cho ra những bức ảnh tuyệt đẹp – chính là thứ mà nghệ sĩ đang tìm kiếm.
Và 9 bức ảnh chụp các tác phẩm lỗi này lại trở thành tác phẩm nhiếp ảnh mang tên Tro.
Củi tàn nhưng lửa không tàn là tác phẩm sơn mài trên thép và gỗ đỏ, mượn chi tiết cách điệu của chữ Thọ được tìm thấy rất nhiều ở căn nhà trên phố Đường Thành nổi tiếng của gia đình, do cụ nội của nghệ sĩ xây dựng.
Từ chính ngôi nhà ấy đã có những cuộc “di cư” của gia đình theo những biến động của lịch sử. Di cư nhưng vẫn thuộc về, như “củi tàn nhưng lửa không tàn”. Công chúng xem triển lãm sẽ được dẫn tới ngôi nhà của gia đình nghệ sĩ cách đó không xa để được “tìm về”.
Video trình diễn nấu phở, với âm thanh là tiếng nước sôi và bài ca trù Đời đáng chán (thơ Tản Đà) do nghệ nhân Bạch Vân hát cũng là một tác phẩm rất ấn tượng trong triển lãm.
Cạnh đấy là tác phẩm Đời đáng chán in phun mỹ thuật bài thơ trên giấy xuyến, bồi lên Lãnh Mỹ A – loại lụa Tân Châu đen truyền thống của Việt Nam, cho người xem được lộn về một thời nhiều gãy vỡ trong xã hội Việt Nam giao thời nhưng cũng thật giàu có về văn chương nghệ thuật.
Tình yêu với đất nước của nghệ sĩ, của người Việt là tình trân trọng với những tinh túy ấy trong hồn cốt dân tộc.
“Thật khó tin một người bé nhỏ như vậy mà tiếng nói nghệ thuật lại hết sức đồ sộ, nói được biết bao câu chuyện về người đời, thế gian.
Cô là người đàn bà có tài nhưng hết sức khiêm nhường, cứ im lặng, cứ lùi lũi mà đi, nhẹ nhõm cất giọng và đặc biệt can đảm. Như cô nói “củi tàn nhưng lửa không tàn”, với Ly Hoàng Ly, chỉ cần những tàn lửa vẫn còn được nuôi trong tro ấm thì nó vẫn có thể bật dậy như ngọn lửa bất cứ lúc nào.