HIỀN HÒA 21/08/2017 19:08 GMT+7
https://cuoituan.tuoitre.vn/ly-hoang-ly-va-mot-an-du-ve-hoi-sinh-1370449.htm
TTCT – Trong địa hạt thơ cũng như nghệ thuật thị giác, hơn 20 năm qua, Ly Hoàng Ly theo đuổi việc bắc nhịp cầu giữa quá khứ và hiện thời. Triển lãm đa phương tiện Thuyền nhà thuyền (*), thuộc giai đoạn 3 dự án đang tiếp diễn 0395A.ĐC của cô tiếp tục nối nhịp cầu đó.
Tác phẩm Thuyền nhà thuyền là khối thép nặng hơn 21 tấn, được cấu thành từ 12 khối kỷ hà, cao 3,8m, rộng 6,9m và dài 7,2m. Ly nói về ý tưởng “…kết nối ta với quá khứ và hiện tại, với cái được ghi nhớ và cái bị lãng quên, với điều ta tỏ tường và điều ta chưa biết” (trích thông cáo báo chí).
Tác phẩm lấy cảm hứng trực tiếp từ kiến trúc xưa của Hi Lạp – ngôi đền Parthenon – được xây dựng bằng phương pháp đặt các khối đá chồng lên nhau.
Vượt thoát và níu giữ
Còn người Việt xưa có quan niệm phổ biến rằng “thân gái 12 bến nước”, ý nói sự bất định và đa chọn lựa của phụ nữ – người vốn giữ nền tảng về “tiếng mẹ đẻ”, về “đất mẹ”.
Nguồn triết lý và thi hứng dân gian này hoàn toàn có thể được nhìn thấy qua Thuyền nhà thuyền – nơi ẩn dụ về sự trôi vô định (thuyền), về sự ở cố định (nhà).
Nhưng ít khi chúng tách bạch với nhau, mà luôn luôn hoán vị, hòa trộn, thuyền bao lấy nhà, nhà cũng là thuyền.
Nhìn vào 12 khối kỷ hà, tự thân từng khối có thể vô nghĩa, nhưng khi chúng được bố cục theo một ý niệm, một kỹ thuật thì nghĩa hiện diện. Khi trưng bày ở không gian thoáng đãng, Thuyền nhà thuyền cho ta cảm giác như lênh đênh trên đại dương, tự do trôi.
Nhưng khi vào không gian cố định với trần nhà hơi thấp như The Factory, tác phẩm này có thể được hiểu như Nhà thuyền nhà – nơi mà khuôn khổ, sự ràng buộc chiếm ưu thế.
Số 12 có thể là 12 tháng trong năm, 12 con giáp, 12 bà mụ, 12 vị thần trên đỉnh Olympus, 12 cung hoàng đạo… Chúng cũng xuất hiện bàng bạc và có ý nghĩa sâu sắc trong kinh Phật, trong kinh Cựu ước, trong Đạo giáo, Hồi giáo.
Và hơn hết, 12 là con số đo lường thời gian và vũ trụ. Nếu chấp nhận cảm hứng thi vị này thì Thuyền nhà thuyền còn ẩn dụ về ngày sau của tận thế (thuyền Noah trong sách Sáng thế ký), về nơi chốn của hồi sinh, về “miền đất mới”.
Có lẽ vì thế mà tính sử dụng của Thuyền nhà thuyền khá rõ nét, người xem có thể thoải mái “sờ vào hiện vật”, đi qua chúng, ngồi lên chúng. Các hành động đó tác động đến suy nghĩ, cách trả lời của từng người xem trước câu hỏi “thuyền nhà thuyền” là gì?
Người xem chạm vào điêu khắc Thuyền nhà thuyền hôm nay cũng giống như chạm vào sắp đặt Tháp mâm năm 2004 của Ly Hoàng Ly, vẫn là hành trình mô tả và hóa giải nội tại giằng xé của người phụ nữ Việt hiện tại.
Họ vừa có khát khao vượt thoát các ràng buộc, lại vừa âm thầm níu giữ, liên nối vào các nhịp cầu truyền thống. Ly Hoàng Ly là nghệ sĩ thị giác có tâm cảnh của một nhà thơ, nên trong mọi tác phẩm, mọi chất liệu, chất thơ, sự lãng mạn khá rõ nét.
Mới nhìn cứ ngỡ Thuyền nhà thuyền là một hệ quả lạnh lùng của cơ khí chính xác, bền vững, nhưng thật ra chúng cũng khá mong manh, vì 12 khối kỷ hà được tách rời dễ dàng.
Tận lực với nghệ thuật
Ly Hoàng Ly quê gốc ở Bắc Ninh, sinh tại Hà Nội năm 1975, sớm cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống và trưởng thành tại đây.
Sau khi tốt nghiệp khoa sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM (năm 1998), cô nhận học bổng Fulbright (năm 2011), đến Mỹ học và hoàn thành chương trình thạc sĩ nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật Chicago (năm 2013), ngay sau đó thực tập một năm tại Joan Flasch Artists’ Book Collection (Học viện Mỹ thuật Chicago).
Nhờ không gian gia đình (cha là nhà thơ – dịch giả Hoàng Hưng), cộng với quá trình đào tạo và tự đào tạo, cô đã sớm định hình về con đường nghệ thuật riêng.
“Tôi bắt đầu với installation art (nghệ thuật sắp đặt) năm 1997 và với performance art (nghệ thuật trình diễn) năm 2000.
Trên thế giới, loại hình nghệ thuật này được khai sinh khoảng đầu những năm 1960. Từ năm 1996, một số nghệ sĩ Việt Nam như Nguyễn Minh Thành, Trần Lương, Trương Tân, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Cường đã bắt đầu thực hành nghệ thuật đương đại. […].
Trong nhiều tác phẩm installation và performance, tương tác và phản ứng của công chúng là một phần cấu thành nên tác phẩm.
Công chúng không cảm nhận một cách thụ động, mà chủ động tham gia trực tiếp vào tác phẩm, đem lại những đối thoại và phản hồi thú vị, nhiều chiều” – trong một cuộc trò chuyện với Harper’s Bazaar Việt Nam năm 2016, Ly Hoàng Ly cho biết.
Chẳng biết là ưu điểm hay nhược điểm, trong quá trình sáng tạo tác phẩm, nhiều lúc Ly Hoàng Ly như rời bỏ thực tại, quên cả gia đình và ăn uống, đôi khi bị ngất xỉu.
Như thời gian bài trí Thuyền nhà thuyền tại The Factory mới đây, 3-4 ngày đêm liên tục, cô “cắm trại” tại chỗ, quên ăn quên ngủ để tìm ra phương cách thể hiện hợp lý nhất.
Đừng nói tới Facebook, email, mà ngay cả điện thoại cũng không cầm đến, báo chí, truyền thông muốn liên lạc thì cách duy nhất là đến The Factory.
Hơn 20 năm qua, cách làm việc này đã khiến gia đình, người thân và bạn bè tâm giao lo lắng rất nhiều, vì bản thân Ly Hoàng Ly có thể trạng không được tốt.
Một liên minh đáng ghi nhận
Để Thuyền nhà thuyền có thể nên hình dáng như hôm nay và còn chuyển đổi trong tương lai, tác phẩm đã nhận được sự tài trợ, trợ giúp, đồng hành của rất nhiều tổ chức, cá nhân. Có thể nói đây là một liên minh đáng ghi nhận, vì nếu không, tự nghệ sĩ thì gần như bất khả trong việc tạo tác.
Ví dụ, nếu không có những kỹ sư thép của Thaco, một nữ sĩ chân yếu tay mềm không thể “mó vào” mấy chục tấn thép kia.
Nên trong chú thích tác phẩm, Ly Hoàng Ly ghi “được sản xuất bởi Công ty cổ phần ôtô Trường Hải – THACO, dưới sự giám sát của nghệ sĩ”.
Tác phẩm còn được tài trợ một phần từ nhiều đơn vị, được tư vấn về kết cấu và vận chuyển, từ kiến trúc sư Hồ Đình Chiêu, kỹ sư Ngô Văn Tuấn, kỹ sư Nguyễn Xuân Nghĩa, kiến trúc sư Bùi Thị Mỹ Tuyền.
Kể dài dòng ra như vậy để thấy rằng trong các tác phẩm công cộng, bên cạnh sự tương tác của người xem thì sự chung tay của cộng đồng là rất quan trọng.
Nó không chỉ đáp ứng các yêu cầu cụ thể của nghệ sĩ để có tác phẩm, mà còn cho thấy rằng nghệ thuật không thể và không nên đứng trơ trọi. Chỉ khi nào cộng đồng, các tổ chức nghệ thuật, sưu tập, bảo tàng, đặc biệt các doanh nghiệp hoan hỉ tham gia, khi ấy các tác phẩm mới hình thành một cách tự nhiên và bền vững.
Dù có được sự hỗ trợ ban đầu tốt đẹp ấy, nhưng Ly Hoàng Ly giờ vẫn đang tìm một không gian công cộng ở Việt Nam cho Thuyền nhà thuyền “cập bến” và “hồi sinh”.■
(*): Triển lãm diễn ra tại The Factory (Q.2, TP.HCM) đến hết ngày 17-9, bán vé với khách từ 16 tuổi trở lên.
Một số dự án thị giác tiêu biểu của Ly Hoàng Ly:Căn tính đối kháng với toàn cầu hóa (năm 2004, trưng bày tại Thái Lan, Đức), Transpop: Korea Vietnam Remix (2007, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam), Kết nối: Nghệ thuật Việt Nam (2009, Đức), Con người với không gian (2012, Mỹ), Phẳng chung thủy (2014, cộng tác với giáo sư toán Ngô Bảo Châu, Việt Nam, Mỹ)…Năm 2016, có tác phẩm tại triển lãm Mở cửa – Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986-2016) và Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam tại Hà Nội. |
Với thơ, Ly Hoàng Ly đã viết hàng trăm bài, nhận giải thơ Bút Mới của báo Tuổi Trẻ từ năm 20 tuổi (1995). Bốn năm sau, tập thơ Cỏ trắng xuất hiện, được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Năm 2005, tập thơ Lô Lô xuất hiện, được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 (dù cô từ chối nhận giải thưởng).Cả hai tập này, ngoài tâm sự của một nữ lưu nhạy cảm, thì chất hội họa và thị giác cũng đậm đặc. Năm 2008, Ly Hoàng Ly ấn hành tập thơ Quà, trước đó cũng từng xuất hiện trong tuyển tập 26 nhà thơ Việt Nam đương đại. |