19:05 | Thứ năm, 10/08/2017
https://nguoidothi.net.vn/ly-hoang-ly-va-nghe-thuat-cong-cong-9338.html
Ly Hoàng Ly đang thực hiện một dự án nghệ thuật được gia công, lắp đặt tại xưởng cơ khí của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, nằm trong khu kinh tế mở Chu Lai. Tác phẩm là một khối thép với tổng trọng lượng hơn 21 tấn, cấu thành từ 12 khối kỷ hà được thiết kế lắp ráp tinh vi, cao 3,8m, rộng 6,9m và dài 7,2m. Công trình này mang tên Thuyền Nhà Thuyền, là giai đoạn 3 thuộc Dự án đang tiếp diễn 0395A.ĐC của chị.
Lấy cảm hứng ngay từ câu chuyện địa phương, dự án được bắt đầu từ sáu năm trước, là những tìm tòi, chất vấn chưa hồi kết của Ly Hoàng Ly về bản trường ca di – nhập cư của loài người. Mang hình khối một con thuyền ở phía trên và chuyển thành hình khối một ngôi nhà ở phía dưới (hoặc ngược lại, tùy điểm nhìn của người xem), Thuyền Nhà Thuyền thị giác hóa quá trình tâm lý, ký ức của con người về không gian và thời gian thay đổi.
Giữa biển khơi, một con thuyền dù có tả tơi cũng là ngôi nhà duy nhất cho ta bám víu nương tựa trong sóng to bão tố. Ta cũng có thể phải chịu đựng những cơn bão tâm lý, cảm giác mất cân bằng và tình trạng bấp bênh trong chính căn nhà trên đất liền. Tùy thuộc vào tâm thế của một người trong từng thời điểm mà người ấy sẽ thấy mình đang đối diện trước một căn nhà hay một con thuyền.
Khi bước vào cấu trúc này, người xem trở thành một phần không thể thiếu của tác phẩm, và có thể trở thành những tác giả nối tiếp tạo ra những giá trị khác của tác phẩm. Và khi đặt ở nơi công cộng, mọi người có thể đi vào từ nhiều phía, nó có thể trở thành băng ghế để ngồi uống cà phê, đọc sách, hoặc có thể chỉ là một hành lang để thơ thẩn đi qua. Công trình lại có thể linh hoạt trở thành một sân khấu trình diễn, hay là một cái trống kim loại khổng lồ cho mọi người gõ tay làm nhạc… tùy ý tưởng của mỗi người khi đến với nó.
Linh hồn nghệ thuật, thể xác cơ khí
Để hình thành tác phẩm này, Ly Hoàng Ly, các kiến trúc sư, kỹ sư và nhiều nhà chuyên môn khác đã phải đi một chặng đường dài. Mọi thứ đều quá mới. Lao vào thực tế, cả nghệ sĩ lẫn kỹ sư mới nhận ra những cái cần chỉnh sửa, làm lại, để làm sao hài hòa, đảm bảo được cả yếu tố nghệ thuật lẫn kết cấu vững chắc của một công trình có sự tương tác của khán giả.
Làm, sai, sửa, làm, lại sai, sửa, rồi làm… Nhưng với Ly, “hạnh phúc của công việc sáng tạo nghệ thuật là ở quá trình làm chứ không phải kết quả”. Khi mới nhận hợp đồng, anh em kỹ sư Trường Hải chắc nịch: “Chỉ ba tuần là xong”, nhưng đến nay đã kéo dài hai tháng. Ai cũng làm việc khẩn trương, thậm chí phải làm tăng ca đêm để tác phẩm hoàn thành đúng thời hạn trưng bày. Từ bản vẽ thiết kế 3D và mô hình lắp ráp bằng gỗ gồm 12 khối của Ly, nhóm kỹ sư đã phải mất hơn 20 ngày nghiên cứu, và 10 ngày để vẽ lại thành bản thiết kế kỹ thuật, biến ngôn ngữ nghệ thuật thành ngôn ngữ lập trình cơ khí. Rồi tìm phương án, nguyên lý lắp ráp, cùng công nghệ phù hợp.
Kỹ thuật thiết kế Ly áp dụng cho Thuyền Nhà Thuyền được lấy cảm hứng từ thành tựu kiến trúc của Hy Lạp – ngôi đền Parthenon – một công trình kỳ vĩ được xây dựng bằng phương pháp đặt các khối đá lên nhau. Khi chuyển thể sang chất liệu sắt thép, các kỹ sư bảo, khó nhất là độ khít giữa các mép. Sắt thép có độ mỏng nhất định, nếu không làm khéo thì nó sẽ tạo độ lệch giữa các mép. Chưa kể, cả công trình là sự lắp ráp từ mỗi khối riêng lẻ, cũng là một tác phẩm độc lập, đòi hỏi hoàn hảo từng chi tiết. “Đó là một thử thách. Làm cơ khí vốn khô, chắc chắn, cứng cáp, nhưng qua đây cần cả những nét mềm mại, có hồn trong chi tiết nữa”, kỹ sư Duy Trinh mỉm cười chia sẻ.
Dự án sẽ không có hồi kết
Ly Hoàng Ly có dáng vẻ mảnh mai, dịu dàng rất Á Đông. Tuy vậy, con đường nghệ thuật của chị không hề “đằm thắm” như diện mạo bên ngoài: là biên tập viên NXB Trẻ; nhà thơ; đoạt nhiều giải thưởng văn học; theo học Học viện Mỹ thuật Chicago (Hoa Kỳ) với học bổng Fullbright cho chương trình thạc sĩ mỹ thuật; thực hiện nhiều triển lãm nhóm, trình diễn, sắp đặt trong và ngoài nước…
Vì vậy, từng có nhận xét rằng, dường như Ly Hoàng Ly đã tìm thấy sự giao hòa giữa các ngành nghệ thuật. Nhưng Ly cười hiền bảo, chị chỉ làm những gì mình hình dung, và thích dùng đa phương tiện để soi rọi mọi ngõ ngách của vấn đề mình quan tâm, tìm kiếm. Ly Hoàng Ly chia sẻ, nghệ thuật công cộng là giấc mơ chị luôn ấp ủ. Hỏi “cho tới bây giờ, chị nghĩ mình đã chạm được vào nghệ thuật công cộng ở mức độ nào?”, Ly bảo không phải chỉ chạm vào, mà giấc mơ về nghệ thuật công cộng đã ăn rất sâu như một cái cây bám rễ từ 17 năm qua trong tim và trong óc.
Rất dễ nhận ra chất thiền, tư tưởng Phật giáo trong hầu hết tác phẩm của Ly Hoàng Ly. Thuyền Nhà Thuyền cũng vậy, luôn vững chãi mà linh hoạt, để mình luôn luôn có thể dịch chuyển. Ly chia sẻ, đó là sự dịch chuyển mang nhiều ý nghĩa, về cả tâm lý, địa lý hay thể chất. Tác phẩm có thể tháo ra, chốt vào, rất bền vững, luôn luôn có nơi cho mọi người hưởng thụ.
0395A.ĐC là một trong những dự án được Ly bắt đầu từ năm 2011, trong đó phiên bản điêu khắc trên tinh thần nghệ thuật công cộng Thuyền Nhà Thuyền được phát triển từ Phiên bản sách nghệ sĩ (Artist’s book) Thuyền Nhà Thuyền giai đoạn 1, và sau đó là Phiên bản điêu khắc công cộng (Public Sculpture) Thuyền Nhà Thuyền giai đoạn 2 (đã triển lãm ở Mở cửa – Mỹ thuật Việt Nam 30 năm đổi mới). Với Ly Hoàng Ly, dự án sẽ vẫn tiếp diễn và phát triển không có hồi kết. Ly bảo, chị không làm tác phẩm chỉ cho buổi ra mắt, hay vài ngày triển lãm ồn ào.
Mong mỏi một cái chạm gần
Dự kiến ngày 10.8, Thuyền Nhà Thuyền của Ly Hoàng Ly sẽ được triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory (quận 2, TP.HCM). Hôm nay tác phẩm của Ly đã bước vào giai đoạn cuối, đánh bóng khối và hoàn chỉnh, nhưng có thể nó sẽ có sự thay đổi nào đó, như đúng con người nghệ sĩ của Ly: đến phút cuối vẫn thấy cần thiết hoàn thiện chi tiết hơn vì “một lý do tiềm ẩn” nào đó.
Nghệ thuật công cộng là một phần của lịch sử, của ký ức tập thể. Nó phản ánh và bộc lộ xã hội của chúng ta và thêm ý nghĩa cho các đô thị. Vì nghệ sĩ đáp lời thời đại, nên họ phản chiếu cái nhìn nội tâm của mình vào thế giới bên ngoài, và tạo ra biên niên sử của trải nghiệm công. Thuyền Nhà Thuyền sẽ là công trình điêu khắc đầu tiên với ý niệm nghệ thuật công cộng ở Việt Nam, là nơi có “cái chạm” đầu tiên của nghệ thuật công cộng đương đại với người dân thành thị. Lối sống hiện đại đang làm mọi thứ qua đi rất nhanh, sự quan tâm và chú ý của con người với xung quanh cũng ít đi, càng mong nghệ thuật này có thể dừng lại được người đến xem dù chỉ một chút.
Nói như Bill Nguyễn, giám tuyển triển lãm của Ly Hoàng Ly và thành viên nhóm giám tuyển của Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory – năm phút thôi cũng được, để tự vấn, hay chỉ cần đặt câu hỏi “tôi đang nhìn cái gì”…
Những hình ảnh kinh điển mà thuật ngữ “Public Art” gợi ra thường là các cấu trúc tĩnh tại bằng đồng hay đá nguyên khối. Ngày nay, thể loại nghệ thuật này đã vượt ra ngoài sự thường trụ và vững chắc, tìm cách gắn kết với cộng đồng, đưa cộng đồng dấn mình theo một cung cách không hề loại bỏ những phương pháp của quá khứ, mà đưa những phương pháp ấy vào đời sống như một phần của cộng đồng. Nghệ thuật công cộng đương đại không chỉ đơn giản là một phương diện của cảnh quan, nó mở rộng tới việc khảo cứu xem xét các ý tưởng dấn thân gắn kết của cá nhân và cộng đồng, của ngữ cảnh và sự tái tạo ngữ cảnh của địa điểm và kích thích sự trao đổi ý tưởng và căn cước trong lòng một cộng đồng.
Bài và ảnh Lê Quỳnh