Thứ Ba, 13/09/2016, 02:35 (GMT+7)
(ĐSPL) – Nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly, một họa sỹ – nghệ sỹ nghệ thuật thị giác có phong cách đặc biệt. Thơ của chị đã được dịch và đăng trong nhiều tuyển thơ, tạp chí văn học tại Mỹ và Pháp. Ly Hoàng Ly quê Bắc Ninh, sinh năm 1975 tại Hà Nội, đã tốt nghiệp đại học Mỹ thuật tại TP.HCM, nhận bằng thạc sỹ tại Học viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ. Với 3 tập thơ Cỏ trắng, Lô Lô và Quà, những năm gần đây, Ly Hoàng Ly đã trở thành một trong rất ít gương mặt thơ nữ đáng chú ý nhất của giới viết trẻ hiện nay.
Ly Hoàng Ly bắt đầu tìm hiểu và đi sâu vào nghệ thuật đương đại như sắp đặt, video art, trình diễn thơ và nghệ thuật trình diễn từ năm 2000. Đồng thời, chị cũng là nghệ sỹ thị giác nữ đầu tiên có những tác phẩm trình diễn và trình diễn thơ tại Việt Nam.
Còn nhớ trong một ngày mưa lướt thướt sau bão ở Hà Nội đầu tháng 8/2015, nghệ sỹ thị giác Ly Hoàng Ly trong bộ áo váy màu trắng tinh khiết, đeo trên lưng một đôi cánh thiên thần màu trắng, đi trên một chiếc xe đạp sơn màu trắng, đã thực hiện một chương trình thực nghiệm nghệ thuật thị giác khá độc đáo trên một số đường phố trung tâm Thủ đô.
Chương trình này được quay video và phát trực tiếp lên mạng điện tử. Khi “nàng tiên trắng” này đặt chiếc gối màu trắng dưới một gốc cây sũng nước mưa và nhẹ nhàng nằm xuống một góc vỉa hè ở đầu phố Tràng Thi, đắp tấm chăn mỏng màu trắng lên người, như muốn ngủ một giấc dưới trời mưa gió, lập tức chị đã thu hút sự quan tâm của mọi người xung quanh.
Một lát sau, Ly Hoàng Ly thức dậy lặng lẽ và cô đến gặp một số người đang quan sát cô với cặp mắt hiếu kỳ để trao đổi về một chủ đề “tương tác” và xin một chữ ký, một dòng viết lưu niệm về tập sách “Bình Ngô đại cáo” cô đang cầm trên tay.
Nhận xét về chương trình nghệ thuật thị giác nói trên của Ly Hoàng Ly, chị Lê Thuận Uyên (Giám đốc nhà sàn Collective – đơn vị tổ chức) bày tỏ: “Nghệ sỹ Ly Hoàng Ly sẽ không giải thích gì nhiều về phần trình diễn của mình, vì chị tin rằng chỉ có những người có sự tương tác với nghệ sỹ mới có thể hiểu và cảm nhận được. Đây là một sự kiện diễn ra rất nhiều nơi trên thế giới và lần này thì có thay đổi tính chất ngôn ngữ nghệ thuật trình diễn, đó là có tường thuật trực tiếp từ một địa điểm. Cùng một lúc, khán giả ở địa điểm tập kết được xem tất cả mọi thứ. Đó là bước tiến khá mới, chưa từng có trong những sự kiện trình diễn như vậy trên thế giới”.
Nhưng có lẽ theo tôi, Ly Hoàng Ly trước hết là một nhà thơ. Chị thành danh khá sớm, năm 20 tuổi, Ly đoạt Giải thơ Bút Mới của báo Tuổi Trẻ, bốn năm sau, tập thơ Cỏ trắng của Ly nhận Giải Mai Vàng của báo Người Lao Động.
Năm 2006 tập thơ Lô Lô của chị được tặng thưởng hội Nhà văn Việt Nam, nhưng Ly Hoàng Ly từ chối giải thưởng này, vì nghĩ: “Mong muốn sáng tạo là vô hạn, giải thưởng có cao quý đến đâu cũng là hữu hạn. Kỳ vọng vào bất kỳ giải thưởng nào là tự giới hạn mình”.
Ở nhà thơ trẻ này, thế mạnh của ngôn ngữ hội hoạ đã thực sự chắp cánh cho những liên tưởng thơ, khi chị chủ trương dùng màu sắc-hình khối là trục chuyển động chính trong nhiều bài thơ của mình. Và trong một số bài thơ, Ly Hoàng Ly đã xử lý một cách khá độc đáo về mặt nghệ thuật, tạo ra những lát- cắt- hình- ảnh tương phản, mang đến cho câu thơ một sự khơi gợi và một hiệu quả thẩm mỹ mới:
“Có một người khổng lồ ngày nào cũng viên vũ trụ thành một cục tròn tròn nhỏ nhỏ có mầu lô lô/ Ông ta vân vê vũ trụ này vì buồn/ Vân vê thành một viên buồn/ Cô gái là sản phẩm trí tưởng tượng của ông ta/ Nỗi buồn là sản phẩm trí tưởng tượng của ông ta và cô gái/ Ông ta là sản phẩm của mưa/ Mưa là sản phẩm của đêm và cô gái”.
Bằng một “hơi thở lạ”, Ly Hoàng Ly đã lặng lẽ làm tràn đầy một không gian thơ trong bài “Mở nút đêm” dưới đây, theo tôi, đây là một bài thơ khá hay, một bài tiêu biểu cho phong cách thơ Ly Hoàng Ly.
Đây là một bài thơ đọc chậm theo đúng nguyên nghĩa của nó khi cái đẹp chầm chậm mở ra, mở đến tận cùng: “Mở mãi, muốn mở mãi- mở bầu trời đêm trong lồng ngực”, mở cho đến khi sự khao khát cất tiếng kêu bất lực: “Chầm chậm, mở một chiếc nút áo /Soi vào gương chầm chậm, mở hai chiếc nút áo /Chầm chậm, mở ba chiếc nút áo /Soi vào gương, chầm chậm, mở chiếc nút thứ tư / Chầm chậm, mở năm chiếc nút áo / Soi vào gương chầm chậm, mở nút thứ sáu… /Tìm hoài không thấy nút thứ sáu /Soi vào gương, cố tìm nút thứ sáu, / nút thứ bảy, thứ tám, thứ chín… /Mở mãi, muốn mở mãi /Mở bầu trời đêm trong lồng ngực /Nhưng áo chỉ năm nút /Nhưng đêm là vô tận / Mở mãi, muốn mở mãi / Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm / Mở mãi, muốn mở mãi /Bầu ngực này căng đêm / Soi vào gương / Bất lực và khóc/ Trong vô vàn những giọt nước mắt /Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng”.
Những năm qua, nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly trở nên nổi bật với sự cổ vũ của công chúng thơ trong một số đêm trình – diễn – thơ theo phong cách hiện đại ở một trung tâm văn hóa của Hà Nội và TP.HCM.
Với những khoảnh khắc xuất thần trong ngôn ngữ thơ mới, hình như Ly Hoàng Ly đã vượt thoát khỏi “cái bóng” thi ca đang bao trùm của người cha mình là nhà thơ Hoàng Hưng. Trước đó, xu hướng tìm tòi và cách tân nghệ thuật thi ca cả về mặt hình thức và nội dung của nhà thơ Hoàng Hưng đã phần nào có ảnh hưởng đến giới viết trẻ.
NGUYỄN VIỆT CHIẾN