09:36 | Thứ bảy, 23/12/2023
https://nguoidothi.net.vn/qua-cau-xanh-va-soi-chi-do-trong-tam-cua-ly-hoang-ly-41960.html
Nghệ sĩ thị giác, thực hành nghệ thuật đương đại, Ly Hoàng Ly vừa mở một xưởng cá nhân, nơi các tác phẩm tiếp diễn theo nghệ thuật trình diễn (performance art), nghệ thuật sắp đặt (installation art), nghệ thuật công cộng (public art) của cô được triển lãm như là một sự mở rộng nghệ thuật đương đại trong nước, và cũng là con đường cho cô được chân thành với chính mình trong sáng tạo.
Cuối tháng 9 vừa rồi, nghệ sĩ thị giác, nhà thơ Ly Hoàng Ly mở xưởng cá nhân triển lãm Những vần thơ của trời, kéo dài đến ngày 2.12.2023, mời bạn bè và những ai quan tâm đến xưởng chơi. Xưởng là Sàn Art, do Đinh Q. Lê hiến tặng làm nơi mở xưởng cho các nghệ sĩ lĩnh vực tạo hình, nằm trong một căn hộ chung cư quận 4, bên dòng kênh Bến Nghé, Sài Gòn.
Những vần thơ của trời được lấy cảm hứng từ câu của Kahlil Gibran: “Cây là những vần thơ đất viết lên trời, chúng ta đốn chúng xuống và biến chúng thành giấy, chỉ để ghi lại sự trống rỗng của mình”.
Từ dự án tiếp diễn “Cây: Di sản văn hóa thiên nhiên”
Phiên mở xưởng cá nhân này trưng bày một phần quá trình làm tác phẩm của Ly, những tác phẩm từ nhiều chất liệu khác nhau nằm trong dự án tiếp diễn Cây: Di sản văn hóa thiên nhiên, theo nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, video, và nghệ thuật công cộng. Dự án được khởi nguồn từ tháng 3.2015, khi Hà Nội tuyên bố chặt 6.700 cây cổ thụ, Ly đang tham dự khóa tu thiền tại Làng Mai, Pháp.
Ly Hoàng Ly quyết định kết hợp nghệ thuật trình diễn với thiền định để phản hồi về vấn đề thảm họa môi trường. Cảm hứng từ thiền ôm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và chuyển hóa các bước thiền ôm thành các bước trong tác phẩm trình diễn của mình, qua Facebook, Ly kêu gọi bạn bè trên thế giới cùng 300 tăng thân Làng Mai đồng thực hiện trình diễn Ôm cây – Ôm người ta yêu thương – Ôm chính mình trong ba ngày liên tiếp.
Một năm sau, tại Sài Gòn, Ly Hoàng Ly tiếp tục khởi xướng tác phẩm nghệ thuật trình diễn Ôm cây – Ôm người ta yêu thương – Ôm chính mình (kéo dài ba giờ đồng hồ, từ 4-7 giờ sáng) khi chính quyền TP.HCM tuyên bố chặt 258 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Khoảng 20 người đang sống tại Sài Gòn và đồng nghiệp đã đến và trình diễn cùng cô. Con đường Tôn Đức Thắng khi ấy trở thành bảo tàng không gian sống/phòng triển lãm ngoài trời cho tác phẩm này.
Sau đó, trong suốt năm 2018, với ý niệm xem con đường mình đang di chuyển hàng ngày là bảo tàng sống, sân khấu trình diễn, trường quay, Ly Hoàng Ly đã đạo diễn và thực hiện các tác phẩm trình diễn, ghi hình các cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng bị chặt. Ly bộc bạch: “Cam kết trọn vẹn với dự án này, tôi muốn dùng toàn bộ quá trình xảy ra với cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng như một nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) cho một tác phẩm đưa ra những chất vấn mang tính sống còn về tạo dựng/huỷ diệt thế giới, về mối liên hệ giữa Cây và Con Người, về sự diệt vong của cây và tồn vong của loài người”.
Tại xưởng cá nhân Những vần thơ của trời lần này, xem hình ảnh Ly Hoàng Ly được ghi lại qua những thước phim, cảm tưởng không phải Ly đang hóa thân thành cây, mà Ly là cây. Cái cây nằm gục khi bị đốn ngã trong tiếng cưa chói tai. Cái cây vừa muốn chạy thoát khỏi lưỡi hái tử thần vừa không thể bỏ rơi bạn bè của mình đang ở đó. Cây chạy đi rồi chạy lại, bất lực. Dù mưa hay nắng. Ly nói những lúc đó, cô khóc. Là cây đang khóc.
Nhiều người ban đầu không hiểu những hình ảnh này của Ly trên đường Tôn Đức Thắng. Có công nhân cây xanh đã mắng cô điên, khi hành động của cô thật “bất thường”. Nhưng rồi từ lúc nào, những người dân xung quanh, người đốn cây, người buôn bán vỉa hè, cả các anh an ninh, dân phòng ở đây đều dần mặc nhiên xem hình ảnh Ly là một phần của đời sống đường phố cây xanh đang bị đốn hạ.
Theo dõi hình ảnh những ngày này, dù mưa hay nắng, khi mặt trời lặn hay ánh nắng sáng sớm vừa lên, sẽ có lúc giật mình: Ồ, Ly là một cái cây thật. Cô đứng hàng giờ im lìm dưới hố sâu của một gốc cổ thụ vừa bị bứng. Chân như mọc rễ trên đất. Một con chuồn chuồn bay qua, đậu trên một cục đất gần dưới chân cô, rồi bay đi. Thời tiết, mây, gió, nắng, đường phố, xe cộ, và Ly – một gốc cây trơ trụi “mọc” trên hố sâu còn loang lổ đất như hòa thành một. Tự nhiên như nó là…
Không chỉ ở góc độ nghệ thuật, tác phẩm của Ly Hoàng Ly còn là những thước phim tư liệu quý giá về một đời sống Sài Gòn thời bây giờ, khi cây xanh lần lượt bị đốn hạ nhiều nơi để nhường chỗ cho các công trình giao thông, tòa nhà mọc lên. Ly theo vụ đốn hạ cây đường Tôn Đức Thắng gần 11 tháng trời. Bất cứ khi nào cây bị đốn hạ, nửa đêm hay sáng sớm, cô đều có mặt để quay lại những thước phim. Cô kể, vì ở đây lâu nên cô bỗng phát hiện ra một điều rất lạ: trước khi một cây cổ thụ bị đốn hạ, những cành cây cổ thụ xung quanh khẽ nghiêng rung rung như vẫy chào tạm biệt bạn cây mình, dù khi ấy trời hoàn toàn lặng gió. Cây cũng có một đời sống của riêng mình, sừng sững, im lìm, trong nhiệm vụ tự nhiên của mình. Cũng giật mình, như Ly đã giật mình lúc dựng phim, khi thấy lọt vào ống kính là hình ảnh một công nhân cây xanh nhỏ bé đang ngồi trên cần cẩu cao ngang ngọn cây cổ thụ bị cưa, anh đưa tay như làm dấu xin Chúa tha tội trước khi thân cây to sừng sững ngã đổ.
Ly cho biết, khi ai thực hành nghệ thuật – mỹ thuật, họ đều là nghệ sĩ thực hành. Nhưng về sau từ visual art – nghệ thuật thị giác là để chỉ ra những ai thực hiện và sử dụng mọi vật liệu để tạo ra sự nhìn, tạo ra tác phẩm để mọi người xem/nhìn và mong rằng sẽ “thấy” gì đó, dù nhiều hay ít ỏi. Nghệ thuật thị giác mở ra bốn phương tám hướng nhìn và hiểu, qua nhiều phương tiện bao gồm cả video, không còn bị bó buộc bởi hình thức hai chiều như tranh vẽ trên toile, hay ba chiều như điêu khắc. Cái sự nhìn và thấy này đã đi ra ngoài cái khái niệm đẹp – xấu, hay – dở, cao – thấp, thích – không thích mà là nhìn thấy điều người nghệ sỹ muốn thổ lộ và mong được chia sẻ qua tác phẩm của họ, cùng cảm nhận, tư duy.
Đến xưởng cá nhân Những vần thơ của trời của Ly Hoàng Ly, bạn cũng sẽ nghe lại bài thơ mà Ly đã làm vào dịp này, khi con đường Tôn Đức Thắng đã hoàn toàn trụi bóng cây xanh, hoàn toàn xa lạ với người dân Sài Gòn. Và gặp lại một điêu khắc công cộng, “cây ký ức – hy vọng” mà Ly Hoàng Ly đã tạo và “trồng” xuống hố đất của gốc cây cuối cùng – cây 169, vừa bị bứng rễ trên đường Tôn Đức Thắng, như một phản đáp về xu hướng đô thị hóa và tốc độ tàn phá rừng đáng sợ ở Việt Nam. Ly vui khi mọi người chơi với “cây ký ức-hy vọng”. Sau 10 ngày, tác phẩm biến mất, cũng không biết ai lấy đi. “Tôi đã nói tặng phiên bản 1 của “cây ký ức – hy vọng” cho người Sài Gòn, thì ai lấy đi cũng là người Sài Gòn nào đó đã đón nhận quà đó”, Ly cười.
Với dự án tiếp diễn Cây: Di sản Văn hóa thiên nhiên, Ly Hoàng Ly chia sẻ, có thể nói các trình diễn kéo dài (durational performance) Chúng ta thành cỗ máy rồi của cô trong nhiều thời điểm khác nhau trong năm 2018, và điêu khắc “cây ký ức – hy vọng” là tác phẩm có lượng khán giả đông nhất từ trước tới nay ở Việt Nam đối với chính cô. Đó chính là dòng người hàng ngày đi làm, đi học trên con đường Tôn Đức Thắng, những người dân địa phương, người lao động chân tay, bán hàng rong. Tác phẩm tự do bung phá, không có khai mạc, không có bế mạc, và đặt ra câu hỏi: một tác phẩm nghệ thuật có nhất thiết là phải được đặt trong khán phòng, salon, phòng triển lãm, chỉ dành cho một số trí thức, người trong ngành chuyên môn đến xem. Ly nói, cô thích nghệ thuật đến được với tất cả mọi người, xem/nhìn/thấy.
Quả thực khi biết và hiểu quá trình làm nghệ thuật của Ly Hoàng Ly lần này, không ngoa khi nói Ly không chỉ là nghệ sĩ mà là một nghệ sĩ dấn thân.
… Đến quả cầu xanh và sợi chỉ đỏ trong tâm
Hỏi Ly Hoàng Ly, bản chất của sáng tạo nghệ thuật có phải là sự phản biện nghệ thuật với không gian và xã hội mình đang sống không, đặc biệt với loại hình nghệ thuật cô đang theo đuổi? Ly nói, nghệ thuật công cộng đương đại mang tính ý niệm và hướng về sự tương tác, thường là sự đối thoại với kiến trúc hoặc/và thiên nhiên hoặc/và bối cảnh xã hội, tâm thức con người sống trong không gian mà nó sẽ được đặt vào, cộng hưởng, nương vào nhau và làm cho nhau cùng có ý nghĩa nào đó về cả tính thẩm mỹ lẫn ý niệm. Về kỹ thuật, một tác phẩm nghệ thuật công cộng cần được tính toán kỹ lưỡng độ chịu lực, độ bền trước mưa nắng, độ tải trọng lượng, độ an toàn khi khán giả tương tác, gần như một công trình kiến trúc vậy.
Nghệ thuật công cộng mà Ly theo đuổi không đơn thuần là đem một tác phẩm điêu khắc đặt vào không gian bất kỳ. Sự cần thiết của tác phẩm đó hiện hữu trong không gian đó về mặt tương tác, hài hòa với không gian, là điều phải được xem xét, từ đó quyết định kích cỡ tác phẩm; đồng thời/hoặc người ta cần phải tạo ra không gian riêng xung quanh để phù hợp với tác phẩm. Tác phẩm Ly vẫn ấp ủ cho ra ngoài trời nhất vẫn là “thuyền nhà thuyền” 21 tấn – tác phẩm điêu khắc công cộng đầu tiên chị giới thiệu với mọi người. Là câu chuyện của việc di – nhập cư, về sự dịch chuyển trên đại dương và bám trụ trên đất của con người trong cuộc sống này.
Ly Hoàng Ly và người bạn đời quá cố của chị – Phạm Tú Anh đã đồng lòng bán một căn nhà để có kinh phí cho dự án đó, đồng thời cô cũng nhận được sự tài trợ về cả chuyên môn và tài lực của các mạnh thường quân có tinh thần ủng hộ cho thực hành nghệ thuật tiên phong, dù chỉ là phần nhỏ trong tổng chi phí dự án nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần với Ly và dự án.
Còn trong hầu hết các tác phẩm thực hành nghệ thuật trình diễn của Ly, tác phẩm luôn được ứng biến tức thì với con người và không gian đặc thù của mỗi nơi cô thực hiện tác phẩm. Thường các tác phẩm trình diễn của cô đi đến cực đoan về sự thử thách sức chịu đựng của ý chí và cơ thể, và thường nhận được phản ứng không lường trước của người xem. Người xem với các tính cách riêng, cảm nhận riêng, nền tảng kiến thức, văn hóa và lịch sử gia đình, trải nghiệm sống riêng, hoặc ở các vùng miền khác nhau sẽ có phản ứng/tương tác riêng với tác phẩm. Ly sẽ tức thời phản biện lại tiếp với các phản ứng đó bằng trình diễn của mình, sáng tác tại chỗ. Vì vậy cái kết của cuộc trình diễn thường bất ngờ với cả chính cô. Ly thích điều đó.
Về sau, Ly làm những tác phẩm nghệ thuật trình diễn theo cách: trước khi bước vào trình diễn, cô đạo diễn trước góc máy, ánh sáng (nếu trong phòng) và bố cục khung hình, địa điểm (nếu ngoài trời) và sau đó cô trình diễn liên tục trước ống kính đặt từ xa. Khán giả của cô lúc ấy là người đi ngang qua đường nếu là ở ngoài trời. Tác phẩm cuối cùng sẽ được chia sẻ với khán giả qua trình chiếu video trong phòng triển lãm.
Ở Việt Nam, không nhiều người theo đuổi con đường nghệ thuật như Ly Hoàng Ly, và thực tế ở Việt Nam, đa phần công chúng cũng khó/không hiểu nhiều về các tác phẩm của nghệ sĩ. Nhưng với Ly, khi chọn con đường này, mọi thứ đều có khởi điểm khi duyên đến và duyên cũng chỉ đến khi mình luôn tò mò, luôn đi tìm, học hỏi, rèn luyện phấn đấu không ngừng vì điều đó.
Có nhiều đường đi khác nhau cho việc thực hành nghệ thuật trong cuộc đời rộng lớn. Điều quan trọng mà Ly thấm và được nối tiếp ở hành trình sống và làm việc của nhà thơ, nhà báo Hoàng Hưng cha cô, là: mở rộng cõi lòng đối với mọi sự khác biệt của các thực hành khác nhau, của các cá tính nghệ thuật khác nhau; không định kiến, đóng khung hạn hẹp, không hồ đồ phán xét. Mở rộng lòng thì dung nạp học hỏi được nhiều điều mà mình cũng vui. Mở rộng lòng không có nghĩa là dễ dãi, thiếu kỹ lưỡng cẩn trọng, thiếu cầu toàn cho tác phẩm. Ly rất khó tính và cầu toàn khi thực hiện tác phẩm.
Ly Hoàng Ly chia sẻ điều lớn nhất mà cô nhận được từ nghệ thuật mình đang theo đuổi hiện nay là mình được chân thành với chính mình trong sáng tạo, luôn thấy yêu thật nhiều công việc mình đang làm, tận tụy với nó. Giữa ngập tràn kiến thức thông tin đồ sộ ngoài kia, và mọi nhọc nhằn trong cuộc sống, mình vẫn may mắn nhìn thấy được quả cầu xanh và sợi chỉ đỏ trong tâm (cũng là một tác phẩm trong dự án tiếp diễn Cây: Di sản Văn hóa Thiên nhiên), yên tĩnh, đi lối đi phù hợp với mình, là mình, sáng tạo mình trên lối đi đó. Niềm vui đó nho nhỏ, lấp lánh trong tâm.
Ly Hoàng Ly là một nghệ sĩ thị giác, nhà thơ, biên tập viên sống tại TP.HCM. Ly tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM khoa Hội họa. Năm 2011, Ly nhận học bổng Fulbright và theo học chương trình thạc sĩ nghệ thuật tại Art Institute of Chicago (SAIC), chuyên ngành điêu khắc với tinh thần liên ngành. Thực hành của Ly Hoàng Ly kết hợp nhiều chất liệu trải dài từ thi ca, hội họa, video, trình diễn, sắp đặt, điêu khắc, và nghệ thuật công cộng. Tác phẩm của Ly triển lãm rộng rãi trong và ngoài nước.