Theo chân hai nghệ sĩ Việt khám phá cuộc sống không giới hạn bên ngoài những đường biên

Articles & Posts (VI)

https://www.lofficielvietnam.com/art-design/theo-chan-hai-nghe-si-viet-kham-pha-cuoc-song-khong-gioi-han-ben-ngoai-nhung-duong-bien

08.05.2021 by L’Officiel Vietnam

Với những trăn trở về cội nguồn, về quê hương, không gian sống, Ly Hoàng Ly và Hà Ninh Phạm đem những sáng tạo Việt Nam đặt cạnh loạt tác phẩm khai thác chung một chủ đề đến từ bạn bè quốc tế.

Từ ý tưởng ban đầu cho một triển lãm nhóm lớn về chủ nghĩa sắc tộc mang tên “A Life Beyond Boundaries (The Geography of Belonging)” nhà giám tuyển người Ý Loredana Pazzini-Paracciani khơi gợi một chủ đề thảo luận về bản sắc dân tộc và hình thức văn hoá của nhiều quốc gia Đông Nam Á thông qua nghệ thuật thị giác.

Diễn ra tại không gian trưng bày nghệ thuật JWD Art Space tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), triển lãm đã mời các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau cùng tụ họp và xem xét các quan niệm về bản sắc cũng như cội nguồn.

Với cơ hội được tham gia triển lãm cùng rất nhiều cái tên trẻ khác trên thế giới, Ly Hoàng Ly và Hà Ninh Phạm thể hiện những góc nhìn của bản thân về văn hoá Việt Nam nội địa đồng thời đóng góp tiếng nói cá nhân cho cộng đồng nghệ sĩ mới, nghệ sĩ trẻ gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Ly Hoàng Ly

Ly Hoàng Ly có lẽ là một gương mặt không mấy xa lạ trong làng nghệ thuật đương đại. Là một nghệ sĩ đa lĩnh vực sáng tác từ thơ ca, hội họa, phim ngắn cho tới nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật công cộng. Hoàng Ly cũng đồng thời là nghệ sĩ tạo hình nữ đầu tiên của Việt Nam làm nghệ thuật trình diễn và trình diễn thơ.

Với mục đích kết hợp các chủ thể và đối tượng để mở ra những ảnh hưởng gợi cảm trong mối quan hệ giữa vật chất và con người, đa phần các tác phẩm trước đây của Hoàng Ly đều đề cập đến trải nghiệm văn hóa của người phụ nữ về vấn đề thai sản. Đối với Ly Hoàng Ly, nghệ thuật đóng vai trò thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc, nêu lên chức vụ của con người và mối quan hệ của chúng ta đối với địa điểm sinh sống và thiên nhiên. Tất cả những sáng tạo đều được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của chính Hoàng Ly với tư cách một người mẹ trẻ sinh sống tại Chicago cùng trái tim luôn hướng về quê hương Việt Nam.

Tác phẩm của Ly Hoang Ly “Ash#3” (dự án 0395A.ĐC), ED 5 + 2AP, 2013 và “Ash#2” (dự án 0395A.ĐC), ED 5 + 2AP, 2013

Đề tài Ly Hoàng Ly chọn để giới thiệu trong triển lãm “A Life Beyond Boundaries (The Geography of Belonging)” hướng về sự tìm kiếm danh tính. Một số tác phẩm được chọn cho triển lãm đã được giới thiệu cùng dự án 0395A.ĐC mà tác giả bắt đầu từ năm 2011 tại Chicago, Mỹ trong thời gian tạm trú ở đây. Dự án này đã được trưng bày ở nhiều nơi khác nhau như thành phố Hồ Chí Minh, Chicago, Colombia, Hongkong, London và Bồ Đào Nha.

Như vậy, dưới sức sáng tạo của một người con xa quê, các tác phẩm nói về sự thay đổi, sự vật lộn trong chặng đường tìm kiếm danh tính và sự tự do trong tâm tồn của con người khi họ rời bỏ ngôi nhà thân yêu, nguồn gốc quen thuộc từ lâu đã gắn bó để di chuyển đến một vùng đất mới. Hoàng Ly cũng thường xuyên khởi xướng những cuộc bàn luận xoay quanh câu hỏi liệu trí nhớ và tiềm thức của ta sẽ thay đổi như thế nào qua hành trình dịch chuyển không ngừng – từ nơi này đến nơi khác.

Những tác phẩm của Hoàng Ly đưa người xem vào cuộc hành trình của cái thực và cái hư, những thứ còn lưu lại trong hoài niệm và những thứ đã bị lãng quên. Sau đó, mở ra những điều chưa được biết đến từ bên trong những khái niệm tưởng chừng như đã quá quen thuộc.

Tác phẩm của Ly Hoang Ly “Boredom-worthy Life”, 2021 và “Perpetual Ephemeral: A study of Pho”, 2013

Hà Ninh Phạm

Tác phẩm của Hà Ninh Phạm, “F8.1 [East Wing]”, 2021 và “F8.2 [East Wing]”, 2021.

Là một nghệ sĩ sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, tác phẩm của Hà Ninh Phạm thể hiện niềm tự tôn dân tộc bằng cách vượt ra ngoài những khuôn khổ.

Xuất hiện trong triển lãm “A Life Beyond Boundaries (The Geography of Belonging)” lần này với hai bức vẽ vô cùng ấn tượng, Hà Ninh đã cố gắng tạo ra một vùng đất tưởng tượng với những chi tiết rất tỉ mỉ và độc đáo. Nếu như tác phẩm của Ly Hoàng Ly mang ta trở về với những bản sắc đã tồn tại, thì Hà Ninh Phạm phá toang chúng để mang đến một miền đất không thuộc về bất kì ai hay bất kì đâu.

Tại đây, anh xây dựng các bản đồ, những câu chuyện, công cụ, di vật và thậm chí cả trò chơi điện tử về những vùng đất tưởng tượng không có liên kết với bất kỳ nền văn hóa nào đã được biết đến trong lịch sử nhân loại. Thế giới tưởng tượng này có một hệ tư tưởng, quy luật cũng như ngôn ngữ riêng và các tính chất đặc biệt rất đỗi xa lạ với con người. Cá nhân anh đã luôn nghĩ rằng trong quá trình làm nghệ sĩ, việc đầu tiên cần phải làm đó là thực hiện mọi thứ theo cách của mình, danh tính hoặc những phân loại khác có thể để sau. Mặc dù độc đáo và lạ lùng là vậy, tác phẩm của Hà Ninh luôn xoay quanh đề tài về sự trưởng thành cũng như việc sinh ra là người con của một quốc gia Đông Nam Á có ý nghĩa như thế nào. Chính những điều này đã làm nên tầm nhìn, một giấc mơ mà Hà Ninh đã và đang luôn theo đuổi.

Đối với Hà Ninh, bản thân các chủ đề thoát ly hay dựng xây xã hội mới trong nghệ thuật không hề xấu, nhưng những câu chuyện, những hủ tục cũ kĩ đã được nhắc lại nhiều lần từ đời này sang đời khác, vô tình khiến ý tưởng kiến tạo trở thành sợi dây bó buộc, ngăn cản các thế hệ sau thể hiện điều khác biệt. Hà Ninh Phạm đồng thời chia sẻ: chúng ta đều đang sống trong thế giới của sự thay đổi và phát triển, nếu ta cho phép những thứ đã quá lâu đời neo đậu một cách không chọn lọc và vô điều kiện, có lẽ thứ chúng ta tạo ra sẽ không bao giờ có tác động hoà nhập. Khi vẫn còn đó những rào chắn và sự tách biệt, nghệ thuật sẽ khó có thể đạt được tiềm năng tuyệt đối mà vô tình trở thành sự tuyên truyền đầy phiến diện.

Tác phẩm của Hà Ninh Phạm, “F8.1 [East Wing]”, 2021

Về triển lãm “A Life Beyond Boundaries (The Geography of Belonging)”

Triển lãm hiện đang được diễn ra tại không gian trưng bày nghệ thuật JWD Art Space tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. “A Life Beyond Boundaries (The Geography of Belonging)” mời gọi giới mộ điệu thưởng thức các tác phẩm của những đại diện đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau cũng như mong muốn mang đến những cuộc thảo luận, những câu hỏi buộc chúng ta phải suy nghĩ: “Đâu mới là nơi ta thực sự thuộc về?”

Hoạt động triển lãm đã chạm tới nhiều chủ đề từ chiến tranh và lối sống cho đến những khái niệm trừu tượng hơn như danh tính và sự tự do. Nối tiếp những nghiên cứu dựa trên “A Life Beyond Boundaries (The Geography of Belonging)”, các cuộc trò chuyện cùng nghệ sĩ, thảo luận bàn tròn cũng như hội thảo sẽ diễn ra trong suốt quá trình triển lãm và trên website chính thức của JWD Art Space.