07. 08. 15 – 4:43 pm Ly Hoàng Ly – Ảnh: Nguyễn Trung Dũng, Phi Khánh An
“Xin chữ cho chữ” là một tác phẩm trình diễn kéo dài liên tục 9 tiếng diễn ra vào ngày 2 tháng 8 năm 2015.
Tự đưa mình vào và tự vấn về ranh giới mơ hồ (hay tương phản rát rạt?) giữa mộng mị ảo ảnh ngớ ngẩn và đời thường trần ai, giữa diễn và thật, trong tác phẩm này, người nghệ sỹ mặc áo dài bằng thứ lụa đắt tiền, gợi hình ảnh thiếu nữ thị thành mộng mơ. Hành trang của cô gái gồm một chiếc mũ rộng vành làm bằng bánh mì, đôi cánh trắng mọc ngược, xe đạp bọc giấy bản trắng, giỏ xe chở gối và chăn trắng, cùng một quyển sách có bìa đỏ mận. Đó là tuyển tập những áng cổ văn bất hủ của Việt Nam, trong đó có bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.
Đúng 12 giờ trưa ngày 2 tháng 8 năm 2015, cô gái bắt đầu hành trình của mình từ một căn phòng ở căn nhà số 14 Đường Thành, Hà Nội, nơi cô sinh ra. Trời mưa to khiến cô phải tìm cách bọc ni-lông chiếc bánh mì trên đầu cho bánh khỏi mủn ra. Cô cũng định phủ mình bằng vải ni-lông để che mưa, nhưng cô thấy mớ ni –lông quá lùng nhùng, khiến cô không thể thẩm thấu và quết mình vào bức toile cuộc sống, cô bèn vo nó lại. Vô hình chung, tấm ni-lông cô định dùng để che mưa, lại trở thành một mớ vướng víu mà cô phải chở theo trong suốt hành trình. Việc đạp xe trong mưa trở nên khó khăn vì cô luôn gắng giữ cho chiếc bánh mì trên đầu – thức ăn của cô – không ướt.
Trên đường đi, thi thoảng cô ngắt bánh mì trên đầu ăn, thi thoảng cô kê gối vào gốc cây, trùm chăn nằm đọc vang Bình Ngô Đại Cáo dưới mưa gió. Chăn gối của cô sũng nước mưa, nước cống và đất cát.
Cô cũng đọc bài Cáo đó và giới thiệu cho những người bán rau quả, bảo vệ, nhân viên cửa hàng thuốc, công nhân, lao công, người đổ rác, các cụ già, trẻ em, thanh niên… Có những người rất vui khi nghe cô đọc tác phẩm này. Có người chủ động đến hỏi thăm cô và hăng hái đọc to những câu thơ trong bài Cáo. Có những người lảng tránh cô, thậm chí xua đuổi cô.
Nhưng, điều mấu chốt trong hành trình của cô gái là cô đi xin chữ. Người Việt Nam có tục đi xin chữ thánh hiền, xin chữ thầy Đồ, xin chữ những bậc trí giả. Còn cô gái đi xin từng chữ của những người cô gặp trên đường – những chữ mà họ thích và lọc ra trong bài Bình Ngô Đại Cáo.
Có những người hào phóng cho cô hơn một chữ. Có những người ngượng ngùng bảo chưa ai xin chữ họ bao giờ và chữ họ rất xấu. Có những người không biết chữ để mà cho cô chữ. Có những người cho cô chữ bằng cách đọc chứ không viết, bảo rằng họ không biết viết. Có những người đọc rất chậm, phát âm sai nhưng vẫn kiên trì cố gắng đọc cả một đoạn thơ cho cô nghe, sau đó mới nắn nót cho cô chữ.
Tất cả những chữ cô xin và được cho, cô gắn hoặc đề nghị người cho chữ gắn lên tấm chăn trắng. Cô và những người tương tác cùng cô đã cùng nhau thị giác hoá những mảng bám rời rạc của lịch sử và ký ức, của nhớ và quên lãng, của hồi nhớ lại và hình thành trí nhớ mới, cùng những khoảng nhận thức/kiến thức trắng xoá, bằng tấm chăn này.
Tác phẩm performance này cũng có thể được coi là một cuộc khảo sát về việc chúng ta có nhất thiết phải nhớ hết lịch sử? Có phải có một vài điều cốt yếu mà dù ta có thể quên nhưng nhắc lại là nhớ ngay, hoặc có phải có những điều ta chưa bao giờ biết đến, nhưng nghe nói tới thì tưởng như quen thuộc như gắn trong máu tim ta rồi.
Đối với người nghệ sỹ, những con chữ trên tấm chăn là một ví dụ về phiên bản lời mới tinh và cấu trúc hình dạng biến đổi/chuyển đổi của tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay.
Toàn bộ quá trình performance của nghệ sỹ cùng nhóm hỗ trợ được live stream online, với chủ ý sẻ chia mọi nguyên liệu chi tiết thô sống của cuộc trình diễn, không cắt gọt chỉnh sửa, phơi bày tất cả 9 tiếng nghệ thuật hoà vào – văng ra khỏi – hoà vào – văng ra khỏi – hoà vào cuộc sống, lúc nhoè lúc sắc.
Trong tác phẩm này, người nghệ sỹ xem/sử dụng cơ thể, tiếng nói, hành động của mình như một phương tiện/vật liệu sống để thẩm thấu đồng thời quết vào hiện trạng sống, tâm tưởng và ý thức của những con người trong cuộc sống hàng ngày ở xã hội Việt Nam. Quá trình performance là một cuộc trải nghiệm thô sống, mong muốn lần về/ phác thảo hình ảnh một mảng quá khứ bằng chân dung và phản ứng của những người đương thời mà người nghệ sỹ gặp gỡ tương tác ngẫu nhiên trên đường. Song song, quá trình này cũng là một cách thức vẽ nên bức tranh xã hội hôm nay bằng những ký ức, nhận thức và tâm thức của con người hôm nay về quá khứ.
Tất cả các vật liệu đi cùng tác phẩm trình diễn sau đó được sắp đặt và trưng bày như một tác phẩm installation sau trình diễn, tiếp tục mời khán giả tương tác tại chỗ và trên mạng.
Cảm ơn áo dài của nhà thiết kế Lê Thanh Phương Thanhphuong Le
Cảm ơn quay phim Banga Nguyen, Nguyệt Nguyệt Ngú, An, Mỹ Linh và Dung Nguyen Trung đã hỗ trợ trong suốt 9 tiếng trình diễn. Không có các bạn, tôi không thể thực hiện tác phẩm này
SOI: Ảnh trong bài của Nguyễn Trung Dũng, Phi Khánh An (tình nguyện viên Nhà sàn Collective), và từ FB của Ly Hoàng Ly (loạt ảnh đen trắng). Để mạch text được liên tục nên Soi xin phép không để tên từng người chụp vào từng ảnh.